Triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý

Táo bón là tình trạng không thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên một số nguyên nhân gây táo bón trong giai đoạn này nếu không được giải quyết sớm sẽ gây những hậu quả không nhỏ cho trẻ. Vậy những triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh nào mẹ cần lưu ý? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây

Triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý

Nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón ở trẻ được chia làm 2 nhóm là táo bón cơ năng và táo bón bệnh lý. Ở trẻ em, trên 95% là tình trạng táo bón cơ năng, tức là có thể khắc phục bằng biện pháp thông thường như thay đổi chế độ ăn giúp nhuận tràng, bổ sung lợi khuẩn giúp phân xốp và lưu thông dễ hơn….

Riêng ở trẻ sơ sinh, do đây là tháng đầu tiên trong cuộc đời, nên việc tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây táo bón của trẻ không nhiều. Thức ăn của trẻ hoàn toàn từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Với trẻ dùng sữa mẹ, trẻ có thể hấp thu hầu như tuyệt đối lượng dinh dưỡng này và đi ngoài rất ít, thậm chí 1 tuần 1 lần.
Sữa công thức thì khác, không phải mọi trẻ đều có thể phù hợp với cùng một loại sữa. Do thành phần đạm và dinh dưỡng của sữa có thể khó tiêu và gây tình trạng táo bón cho trẻ. Ngoài ra, trẻ không bú đủ lượng sữa, hoặc mất nước do sốt, mồ hôi cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Táo bón ở trẻ sơ sinh có thể báo hiệu do nguyên nhân bệnh lý. Một trong số đó có thể gặp là giãn đại tràng bẩm sinh và suy giáp trạng bẩm sinh.

  • Giãn đại tràng bẩm sinh là tình trạng một đoạn đại tràng hay ruột già bị mất nhu động, khiến phân ứ lại gây tình trạng táo bón.
  • Đối với suy giáp trạng bẩm sinh, đây là tình trạng tuyến giáp ở vùng cổ lạc chỗ, hoặc vì một lý do nào đó khiến giảm tiết các hormon cần thiết, làm chậm phát triển tinh thần và thể chất của trẻ, trong đó có việc giảm nhu động ruột, gây táo bón. Theo thống kê, trong 3000-4000 trẻ thì có 1 trẻ mắc bệnh lý này.

Biểu hiện táo bón ở trẻ sơ sinh mẹ có thể nhận thấy

Biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng táo bón là phân khô, cứng, lổn nhổn. Đối với trẻ lớn hơn, việc đi ngoài dưới 3 lần 1 tuần có thể là biểu hiện của táo bón kèm theo. Tuy nhiên ở trẻ sơ sinh, tần suất của trẻ không phản ảnh nhiều về tình trạng táo bón này. Trẻ dùng sữa mẹ có thể đi ngoài hàng ngày, ngay sau khi ăn, hoặc 1 tuần một lần vẫn có thể là bình thường. Ở trẻ dùng sữa công thức, tần suất thường là 2-3 ngày một lần. Vì vậy đặc điểm phân là điều mẹ cần lưu ý hơn.

Táo bón gây ra ứ trệ trong đường tiêu hóa, khiến trẻ có thể bị chướng bụng, khó chịu và quấy khóc. Khi đi ngoài trẻ cũng cần nhiều lực hơn, biểu hiện mặt đỏ, cáu gắt. Phân khô cứng gây cọ xát hậu môn làm trẻ đau hoặc dính một ít máu ở phân.

Đây là những biểu hiện thường gặp nhất của trẻ sơ sinh bị táo bón. Vậy triệu chứng nào là biểu hiện của tình trạng bệnh lý mà mẹ cần chú ý?

Triệu chứng táo bón nào ở trẻ sơ sinh có thể nguy hiểm mẹ cần lưu ý

Triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý

  • Trẻ không đi ngoài phân su trong 48 giờ đầu tiên
  • Trẻ bị táo bón thường xuyên, dù đã khắc phục nguyên nhân về sữa công thức và hạn chế mất nước
  • Bụng trẻ chướng, có thể kèm theo nôn dịch xanh nâu
  • Trẻ bú kém, hay quấy khóc và chậm lớn
  • Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, giảm phản ứng, da vàng hoặc tái xám

Khi trẻ táo bón kèm theo một trong những biểu hiện này mà không do các nguyên nhân như trẻ bị sốt do viêm nhiễm cơ quan khác khiến trẻ mệt trong một vài ngày thì mẹ cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để phát hiện và loại trừ bệnh lý nguy hiểm kịp thời

Mách mẹ cách giúp giảm táo bón cơ năng ở trẻ sơ sinh

Táo bón bệnh lý gây nguy hiểm và cần được can thiệp kịp thời. Táo bón cơ năng tuy không gây nguy hiểm ngay cho trẻ, nhưng chúng ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Trong khi trẻ rất cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ để phát triển thể chất và tinh thần. Vì vậy phòng và khắc phục sớm táo bón cho trẻ là vô cùng quan trọng. Một số cách giúp giảm triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh đó là

  • Cho trẻ bú đủ, hạn chế mất nước

Mẹ cần cho trẻ bú đủ lượng theo nhu cầu lứa tuổi của trẻ. Trường hợp trẻ bị nôn trớ sinh lý, mẹ cần chia nhỏ bữa ra để đảm bảo tổng lượng sữa hàng ngày trẻ uống được. Bên cạnh đó, trẻ cần được mặc bỉm, quần áo phù hợp với thời tiết, nằm ở nơi thoáng mát, không quá kín hay nóng bức. Điều này giúp hạn chế mất nước qua đường mồ hôi cho trẻ.

  • Chọn loại sữa công thức phù hợp với trẻ

Mẹ cần chú ý lượng đạm trong sữa. Lượng đạm ở sữa cho đối tượng trẻ sinh đủ hay thiếu tháng, nhẹ cân hay đủ cân là khác nhau. Hơn nữa, mỗi trẻ cũng cần thời gian thích nghi với loại sữa mới. Vì vậy mẹ cần theo dõi và cân nhắc đổi sữa khi sau 2 tuần bé vẫn bị táo bón.

  • Bài tập giúp tăng nhu động tiêu hóa

Mẹ có thể massage bụng nhẹ nhàng cho trẻ hàng ngày. Giữ cổ chân trẻ di chuyển như động tác đạp xe cũng giúp kích thích nhu động ruột. Một bài tập đem lại lợi ích cho nhiều cơ quan trong đó có giảm táo bón là bài tập nằm úp. Mẹ có thể cho trẻ bắt đầu tập bài tập này khi trẻ được 15 ngày tuổi.

  • Bổ sung men probiotic giúp tăng cường tiêu hóa

Ở trẻ sinh, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên bé thường gặp nhiều vấn đề về đường ruột. Đặc biệt mất cân bằng hệ vi sinh là nguyên nhân chủ yếu gây ra táo bón, tiêu chảy ở con trong giai đoạn này.

Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ sơ sinh táo bón giúp bé nhanh chóng ổn định đường ruột và khôi phục chức năng tiêu hóa tốt. Nhờ đó giúp giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón; giúp tiêu hóa ổn định, từ đó trẻ hấp thu tốt và tiêu hóa khỏe mạnh. Trẻ sơ sinh bổ sung men probiotic còn có thể giúp tăng cường đề kháng, phòng bệnh lý dị ứng liên quan chàm sữa…

Khi chọn men probiotic, mẹ cần chọn sản phẩm chuyên biệt có dạng giọt dễ sử dụng và chứa chủng men thân thiện với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý

Với trẻ sơ sinh táo bón, mẹ nên bổ sung men vi sinh giúp hỗ trợ tăng cường tiêu hóa cho bé

Qua bài viết mẹ có thể nắm được triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh cần lưu ý. Cùng với một số cách giúp phòng ngừa và cải thiện táo bón ở trẻ, hy vọng mẹ có thêm những thông tin hữu ích. Chúc em bé của mẹ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh!

TƯ VẤN MIỄN PHÍ